Hợp tác xã tiếp cận thị trường thương mại điện tử tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) đã tiếp cận, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn, thị trường thương mại điện tử… Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.

Hai năm gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến. Theo nghiên cứu của Nielsen, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 đạt con số 32%, tăng cao so với tỷ lệ 18% của năm 2019. Tần suất mua hàng bằng hình thức thương mại điện tử cũng tăng gần gấp đôi, từ 1,2 lần năm 2019 lên con số 2,1 vào năm 2020.

Tận dụng lợi thế của thị trường thương mại điện tử

Theo dự báo, với sự phát triển về công nghệ thông tin, mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo. Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.

Nắm bắt được điều này, không ít HTX đã ứng dụng thương mại điện tử vào việc mở rộng đầu ra cho nông sản. Tiêu biểu như HTX chôm chôm Java Tân Khánh (Vĩnh Long) đang sản xuất trên diện tích 28,5 ha. HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ để giúp chôm chôm ra rải vụ quanh năm. Sản xuất trên diện tích lớn và có sản phẩm quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì giá trị nông sản mới cao và thu nhập của thành viên mới bảo đảm.

Chính vì vậy, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Thành viên sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video về quá trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch chôm chôm hoặc thông tin về nguồn gốc cây trồng. Đặc biệt, thông qua sàn giao dịch điện tử, HTX đã liên kết và ký hợp đồng tiêu thụ ổn định cho thành viên thông qua doanh nghiệp.

Tham gia thị trường thương mại điện tử giúp mở rộng vòng khách hàng
Tham gia thị trường thương mại điện tử giúp mở rộng vòng khách hàng

Ông Võ Văn Bê, Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh, cho biết từ khi tham gia các trang thương mại điện tử, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua cũng tin tưởng hơn. Đối tượng khách hàng của HTX cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể dù dịch Covid-19 đang xảy ra.

Có thể thấy một trong những hướng đi hiệu quả, bền vững để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và thích ứng với thị trường chính là ứng dụng công nghệ số. Và, để có thể thích nghi với những tác động của thị trường, đặc biệt là dịch Covid-19, không ít HTX đã tự tìm cho mình những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại.

Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 HTX ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% HTX thay đổi phương thức kinh doanh như chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…

Theo các chuyên gia, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, người dân ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức.  Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

Dư địa lớn cho HTX

Gần đây, sau những tín hiệu đáng mừng trong việc thúc đẩy tiêu thụ vải thiều Bắc Giang và Thanh Hà của một số HTX trên sàn thương mại điện tử, các trang facebook… một loạt các nông sản của người dân và HTX ở các tỉnh thành đã triển khai chiến dịch thâm nhập vào thị trường bán hàng online đầy tiềm năng này như: bơ Đăk Lăk, mận Sơn La, khoai lang tím Vĩnh Long.

Theo ghi nhận của các ngành chức năng, chỉ trong vòng 6 ngày lên sàn phiên chợ nông sản trực tuyến trên Sendo (từ ngày 21 đến ngày 26/6) gần 200 tấn các loại nông sản đã có nơi tiêu thụ. Điều này chứng minh người nông dân, HTX hoàn toàn có thể làm chủ trên sân chơi thương mại điện tử. Mở ra hướng đi mới, giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cũng như giá tăng giá trị hàng hóa cho người nông dân.

Dù phiên chợ nông sản trực tuyến đã kết thúc nhưng hiện nay, một số thành viên HTX trái cây Tây Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) vẫn tất bật với công việc đóng gói, vận chuyển bơ theo đơn đã chốt trên trang facebook. Năm nay, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn được coi là một năm bội thu của các thành viên vì nhờ HTX, trái cây Tây Buôn Hồ kết nối với doanh nghiệp, đầu ra của những trái bơ đặc sản đã đến tay người tiêu dùng thông qua kênh mua bán online.

Khi sức tiêu thụ tốt đồng nghĩa với nguồn thu của người dân, thành viên HTX cũng tốt hơn. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của người dân, thành viên HTX về cách làm mới mẻ này.

“Sau khi kết thúc phiên chợ nông sản trực tuyến, thành viên đã học được cách chuẩn bị thông tin sản phẩm, chụp hình, đăng thông tin giới thiệu nông sản nên vẫn muốn duy trì hình thức bán hàng này để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của HTX”, ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc HTX Tây Buôn Hồ cho biết.

Theo các chuyên gia, bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, bán hàng online giúp cắt giảm các khâu trung gian. Đặc biệt khi liên kết với các doanh nghiệp để bán hàng online, người dân, HTX còn được đào tạo, làm quen với quy trình hậu sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Dễ dàng quản lý thông tin và quảng bá sản phẩm trên thị trường thương mại điện tử
Dễ dàng quản lý thông tin và quảng bá sản phẩm trên thị trường thương mại điện tử

Hiện nay, 100% các HTX vận tải, HTX chợ, HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã trang bị máy tính và sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu… Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ và khoảng 40% HTX ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm (theo Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường – Liên minh HTX Việt Nam).

Điều này cho thấy, đối với HTX, thương mại điện tử vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo.

 Thấy được vai trò của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX Việt Nam đã và đang  tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Bộ ngành, doanh nghiệp huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuỗi và đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như sendo, lazada, shopee…

Tuy nhiên, các chuyên gia, hoạt động hỗ trợ về thương mại điện tử trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX cần được chú trọng hơn nữa để tương xứng với tiềm năng nhằm mở rộng phạm vi giao thương hàng hóa giữa các vùng miền và đẩy mạnh xuất khẩu.

Và để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX một cách phù hợp và thiết thực.

Nguồn: vnbusiness

Bạn cần tư vấn phương pháp bán hàng online trên các sàn giao dịch TMĐT hoặc muốn xây dựng một trang thương mại điện tử để bán hàng, Hãy liên hệ với chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ làm bạn hài lòng. Hotline: 0919200290 – Trung tâm VietPro

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo