Chuyển đổi số trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.

Vừa qua, chị Triệu Thị Khé, dân tộc Tày, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Phú (Na Hang), cùng với trên 250 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh được tham gia Hội nghị đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì tổ chức. Tại đây, chị và các học viên đã được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Chị Khé cho hay: mặc dù đã biết qua về những ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nhưng khi tham gia lớp tập huấn, chị hiểu sâu hơn, cũng như được thực hành trực tiếp trên máy. Sau khi học xong, chị đã tích cực truyền đạt lại những nội dung đó đến hội viên, nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ nông dân vùng đồng bào DTTS & MN của huyện Yên Sơn được hướng dẫn tạo tài khoản, khởi tạo gian hàng, cách đưa sản phẩm lên gian hàng, theo dõi đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Cán bộ nông dân vùng đồng bào DTTS & MN của huyện Yên Sơn được hướng dẫn tạo tài khoản, khởi tạo gian hàng, cách đưa sản phẩm lên gian hàng, theo dõi đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Anh Nguyễn Quang Thắng, Bí thư Đoàn xã Tứ Quận (Yên Sơn) cho biết, tại lớp tập huấn, anh được bồi dưỡng kỹ năng tạo lập, biên tập thông tin, nội dung số, phương pháp truyền thông quảng bá hình ảnh và sản phẩm của địa phương. Qua đó, anh nắm được những kỹ năng chụp ảnh sản phẩm sao cho đẹp, viết bài về sản phẩm sao cho thu hút tương tác và cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo. Anh sẽ nỗ lực tham gia chuyển đổi số, quảng bá, sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, anh sẽ tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, nhân dân mở gian hàng online trên nền tảng số. Đây là giải pháp thiết thực để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và MN tại địa phương.

Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; cụ thể là triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc dự án 10: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS & MN. Lớp đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số là một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số của Ban Dân tộc tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phụ nữ dân tộc Dao, xã Hồng Thái (Na Hang) tìm hiểu về chuyển đổi số qua điện thoại thông minh.
Phụ nữ dân tộc Dao, xã Hồng Thái (Na Hang) tìm hiểu về chuyển đổi số qua điện thoại thông minh.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc; tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. Đối với phát triển kinh tế số, toàn tỉnh phấn đấu 80% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản phẩm đặc sản lên sàn trực tuyến. Để phát triển xã hội số, toàn tỉnh phấn đấu 100% hộ gia đình dân tộc thiểu số có địa chỉ số và có ít nhất 1 điện thoại thông minh; 100% người dân tộc thiểu số có danh tính số kèm theo mã QR code, có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; 100% học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 80% các hộ dân tộc thiểu số và vùng núi trên địa bàn sử dụng Internet băng thông rộng. Đồng thời tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh, từng bước phát triển mạng 5G. 100% đồng bào dân tộc được kết nối, đối thoại với người làm công tác dân tộc nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Để việc chuyển đổi số trong vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, hệ thống chính trị các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet trong đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, công nghệ số cần bám sát vào đời sống bà con thông qua các hoạt động thiết thực như: chính quyền có thể giao tiếp với người dân qua Zalo, cung cấp dịch vụ trực tuyến; cài đặt các hệ thống cảm biến, camera theo dõi các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội… để có thông tin trực tuyến…

Nguồn Báo Tuyên Quang Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Địa chỉ
Gọi trực tiếp
Chat ngay
Chat trên Zalo