Rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt, có giá trị cao cả về môi trường và kinh tế mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ CO2 từ khí quyển, tích lũy carbon, chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm đặc biệt là trong tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng ngập mặn với tổng diện tích trên 63.000 ha. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường khu vực ven biển. Vì vậy, có một mô hình HTX lâm nghiệp phù hợp, hiệu quả là điều cần thiết, cấp bách.
Thuộc khuôn khổ của nhiệm vụ môi trường “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm rừng ngập mặn sản xuất và đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển mô hình HTX lâm nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu”, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Cà Mau tổ chức lớp tập huấn “Mô hình HTX phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ rừng ngập mặn cho các HTX nông nghiệp, thủy sản gần hoặc trong rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau” trong hai ngày 15-16/8/2023 tại thành phố Cà Mau. Tham dự lớp tập huấn có đại diện Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, 50 học viên là giám đốc, thành viên các HTX trên địa bàn tỉnh và đại diện ban chủ nhiệm nhiệm vụ.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Trần Quốc Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ HTX Doanh nghiệp vừa và nhỏ – Liên minh HTX tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có HTX lâm nghiệp mà chỉ có mô hình HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng đang phát triển dựa vào rừng ngập mặn và các lợi ích của rừng ngập mặn. Do đó, lớp tập huấn sẽ cung cấp các thông tin, kiến thức hữu ích cho các học viên về tiềm năng, vai trò và chức năng của rừng ngập mặn, cũng như các gợi ý về việc thành lập mô hình HTX lâm nghiệp phát triển dựa vào rừng ngập mặn. Đây không chỉ là mô hình HTX có tính khả thi về kinh tế mà còn rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường và tương trợ xã hội”.
Tại lớp tập huấn, giảng viên đã chia sẻ kiến thức cơ bản về các giải pháp quản lý, khai thác rừng ngập mặn, các giải pháp quản lý bền vững trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Giảng viên cùng học viên đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về các kiến thức, các tình huống thực tế trong khai thác, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cũng như công tác bảo vệ môi trường nói chung trong thực tiễn sản xuất của các HTX.